http://hongtam980.blogspot.com

Thứ Sáu, 13 tháng 3, 2015

Di tích lịch sử Văn hoá đình Long Thuận, Long Chữ

* Di tích lịch sử Văn hoá đình Long Thuận:
Tọa lạc ấp Long Hoà xã Long Thuận huyện Bến Cầu tỉnh Tây Ninh  được xây dựng trên 100 năm theo các vị cao niên trong vùng này được xây dựng thờ ông Trần Văn Thiện - người có công với dân với nước , khai khẩn vùng đất ngũ Long phát triển cho đến ngày nay.
  Đình Long Thuận được xây dựng trên gò đất cao với diện tích là 240,24 m2. ( diện tích đất khoanh vùng bảo vệ là 1821,7 m2) nằm trong khu dân cư đông đúc, mặt đình quay về hướng bắc.
  Kiến trúc đình theo kiẻu chữ tam gồm 3 lớp nhà song song( tiền đình, chính đình và hậu đình), mỗi gian nhà được xây kiểu tứ trụ, bốn mái phơi đều ra 4 phía hình  bánh ít, mái lợp ngói móc, tường xây tô vữa , quét vôi .
  Lễ kỳ yên ở đình này là 10-03 hằng năm. Đây là dịp lễ để dân chúng địa phương và các nơi tề tựu về đây để bày tỏ lòng thành kính của mình đối với các vị thần được thờ cúng ở đình, cầu xin cho quốc thái dân an, mùa màng tốt tươi.
  Với giá trị tiêu biểu  về lịch sử Văn hoá và nghệ thuật kiến trúc đặc trưng của đình làng Nam Bộ , đình Long Thuận  được xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh theo quyết định số 121/QĐ-CT vào ngày 29 / 04 / 2002 của chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh
  * Di tích lịch sử Văn hoá đình Long Chữ:
- Toạ lạc tại ấp Long Giao xã Long Chữ huyện Bến Cầu tỉnh Tây Ninh . Từ trung tâm thành phố Tây Ninh  theo tỉnh lộ 786 đi về hướng Thị trấn Bến Cầu khoảng 15 km là đến di tích.
  Di tích đình Long Chữ xây dựng cách nay hơn 100 năm, thờ quan đại thần Huỳnh Công Thắng . Năm 1972, do chiến tranh tàn phá nên ngôi đình đổ nát nhiều. Đến năm1997 ngôi đình được trùng tu trên tổng diện tích là 4.221,90 m2.
  Năm 1748 ( kỷ tỵ ) , triều đình Huế cử 3 anh em nhà họ Huỳnh vào trấn nhiệm vùng đất Tây Ninh . Khi đến Tây Ninh ông Huỳnh Công Giản sắp xếp mỗi người một khu vực:
 - Huỳnh Công Giản ở cánh rừng Trà Vong ( huyện Tâm Biên)
- Huỳnh Công Thắng ở xã Cẩm Giang ( huyện Gò Dầu )
 - Huỳnh Công Nghệ ở cánh đồng Bến Thứ
    Ngoài việc khai khẩn đất hoang. Ông Huỳnh Công Thắng còn xây dựng thành lũy sáng chế cách phun lửa bằng dầu chai để chống giặc thường xuyên cướp bóc, quấy nhiễu người Việt , góp phần giữ gìn an ninh ở vùng đất biên cương của tổ quốc , mở rộng địa bàn căn cứ tới Cẩm Giang đến chân núi Bà qua rừng Trà Vong , Bến Thứ, Sóc Om lập ra nhiều xóm ấp thành những vùng trù phú để nhân dân có cuộc sống an cư lạc nghiệp .
    Sau khi ông Huỳnh Công Thắng mất , tỏ lòng thành kính , nhân dân tưởng nhớ đến công ơn khai khẩn , quy lập dân ấp, hy sinh vì nước vì dân của ông đã lập đình thờ cúng tại ấp Long Giao xã Long Chữ huyện Bến Cầu .
 Phần mộ của ông nằm dưới chân thành Bảo Quang Hoá ( Cẩm Gang - Gò Dầu ). Đây chính là chứng minh lịch sử khắc ghi công ơn của bậc tiền hiền có công lao to lớn đối với sự trường tồn và phát triển của Cộng đồng.
  Kiến trúc đình chữ theo chữ nhị ( gồm chính đình và hậu đình ), được thiết kế theo kiểu nhà bánh ít , mái lợp ngói , tường xây  tô  gạch vữa. Đình Long Chữ được xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh theo quyết định số 248/ QĐ-CT ngày 22 /11 / 2005 của chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh

 Tài liệu này do có sự hỗ trợ của phòng Văn hoá thông tin huyện Bến Cầu tỉnh Tây Ninh
 Hết